Bạn lo sợ uống nhầm rượu vang bị hỏng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại chưa biết cách nhận biết rượu vang hỏng chính xác tại nhà? Trong bài viết dưới đây, Jacob’s Creek sẽ hướng dẫn bạn 6 cách nhận biết chính xác rượu vang bị hỏng và 2 cách tận dụng rượu vang hỏng hiệu quả tại nhà nhé!
1. 6 cách nhận biết rượu vang hỏng
Tùy vào trường hợp mỗi chai vang hỏng sẽ có biểu hiện khác nhau. Đôi khi nhận biết rượu hỏng bằng mắt thường là chưa đủ, bạn cần ngửi và nếm thử để có thể phán đoán chính xác nhất.
Dưới đây là 6 cách giúp bạn dễ dàng phân biệt được rượu vang bị hỏng tại nhà, bạn nên kiểm tra bằng tối thiểu 4 cách khác nhau để đảm bảo chắc chắn về chất lượng trước khi thưởng thức.
1.1. Nhận biết qua nút chai
Bạn hãy kiểm tra xem phần nút của chai rượu có bị hở hay không. Nếu nút chai có vết nứt, bị lệch sang một bên hoặc không khít với miệng chai thì khả năng cao không khí đã lọt vào bên trong dẫn tới rượu vang bị lên men và biến chất.
Lưu ý: Cách nhận biết này chỉ áp dụng với loại rượu vang sử dụng nút bần, không dùng với rượu vang dùng nút vặn bằng nhôm.
1.2. Nhận biết qua độ sủi bọt của rượu
Bạn nhẹ nhàng nâng chai vang lên theo chiều thẳng đứng và quan sát ở phần thân chai. Nếu thấy xuất hiện những bọt khí sủi li ti thì rượu đã bị hỏng và đang lên men lần 2, vị chua của rượu đang lấn át hết các hương bị khác.
Lưu ý: Cách này chỉ áp dụng với những chai rượu vang tĩnh, không áp dụng với rượu vang sủi vì trong rượu đã có sẵn một hàm lượng khí CO2 tạo độ sủi cho rượu.
1.3. Nhận biết qua mức độ vẩn đục
Bạn rót rượu vang ra cốc thủy tinh trong suốt và quan sát dưới ánh sáng, nếu vang ban đầu rất trong nhưng sau đó lại bị vẩn đục thì rượu đã bị vi khuẩn xâm nhập và hương vị không còn ngon như ban đầu.
Lưu ý: Bạn chỉ áp dụng với các loại rượu vang trong, với một số chai vang ban đầu đã bị vẩn đục sẽ không thể áp dụng cách này.
1.4. Nhận biết qua màu sắc
Bạn rót rượu vang ra khoảng ⅓ ly thủy tinh và giữ ly ở góc 45 độ dưới ánh sáng đầy đủ, điều này giúp bạn quan sát màu rượu dễ dàng và chính xác hơn. Nếu rượu vang có những màu sau thì chứng tỏ đã bị hỏng:
- Rượu vang đỏ có màu nâu, màu gạch cũ thay vì màu đỏ sẫm hoặc tím.
- Rượu vang trắng có màu nâu nhạt hoặc vàng đậm thay vì vàng rơm nhạt.
- Rượu vang hồng có màu nâu đậm thay vì màu hồng đào nhạt.
- Rượu vang ngọt và rượu vang sủi bị xỉn màu, màu sắc rượu không đồng đều từ đỉnh đến đáy ly.
Lưu ý: Nếu rượu vang có màu đỏ đậm hơn và đã trải qua thời gian lưu trữ lâu (tính bằng năm) thì đó là dấu hiệu rượu chuyển từ giai đoạn trẻ sang trưởng thành/ lão hóa, không nhất thiết là dấu hiệu rượu bị hỏng.
>>> Xem thêm: Cách nhận biết rượu vang thật giả
1.5. Nhận biết qua mùi hương
Bạn rót vang ra khoảng ⅓ ly thủy tinh, sau đó đưa miệng ly lại gần mũi, nhắm mắt và hít sâu. Nếu rượu vang bị hỏng, bạn sẽ cảm nhận được tối thiểu một những mùi hương sau:
- Mùi băng cá nhân hoặc phân bón: Rượu đã bị nhiễm vi khuẩn với liều lượng nhỏ.
- Mùi dưa bắp cải chua hoặc nước chanh để lâu: Rượu đang lên men lần 2 và có hàm lượng vi khuẩn axit lactic phát triển mạnh.
- Mùi nút chai hoặc bìa cứng bị mốc: Rượu bị ô nhiễm TCA (hội chứng nút chai).
- Mùi trứng thối, hành tây: Rượu có ít oxy trong quá trình lên men nên phát triển hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và hợp chất mercaptans.
- Mùi hạt dẻ, sốt táo ngọt hoặc giấm balsamic: Rượu bị oxy hóa nặng trong thời gian dài có thể là do đóng nắp lỗi.
- Mùi hóa chất hoặc mùi sơn móng tay: Rượu có quá trình lên men không hoàn hảo tạo ra mùi aceton nồng.
Lưu ý: Ngoại trừ những hương thơm của trái cây, gỗ sồi, thảo mộc và các loại hoa, bạn có thể sẽ ngửi thấy mùi nhựa thông hoặc da thuộc, tuy nhiên đây không phải mùi lạ của rượu bị hỏng. Đây là mùi đặc trưng thường có ở những chai vang đỏ trẻ làm từ loại nho trồng trên đất pha cát hoặc giống nho Cabernet Sauvignon.
1.6. Nhận biết qua hương vị
Bạn rót rượu vang khoảng 1/3 ly rồi lắc nhẹ theo vòng tròn để rượu xoáy đều bên trong. Sau đó, bạn nhấp ngụm nhỏ, đảo nhẹ rượu quanh miệng và cảm nhận bằng đầu lưỡi. Nếu bạn nếm được những vị sau chứng tỏ rượu vang đã bị hỏng:
- Vị chua nồng của giấm
- Vị hơi cay và đắng nhẹ của củ cải ngựa
- Vị cháy của caramel
Lưu ý: Nếu nghi ngờ rượu có vấn đề, bạn nên nhấp một ngụm nhỏ để cảm nhận hương vị nơi đầu lưỡi và tuyệt đối không nuốt rượu.
Cảm nhận bằng vị giác là cách xác định rượu vang hỏng hiệu quả và chính xác nhất.
>>> Xem thêm: Tại sao rượu vang phải để nghiêng? Cách đặt rượu vang đúng cách
2. Tại sao rượu vang bị hỏng?
Để đảm bảo chất lượng của rượu vang, việc hiểu rõ những lý do khiến rượu bị hỏng là rất quan trọng. Dưới đây là 6 nguyên nhân trực tiếp khiến rượu bị hỏng trong quá trình bảo quản:
- Rượu vang bị oxy hóa: Khi nắp chai bị hở hoặc nhiệt độ bảo quản không phù hợp với loại vang, rượu sẽ tiếp xúc với không khí trong thời gian dài và bị oxy hóa. Màu sắc rượu sẽ nhạt đi và hương vị thay đổi theo thời gian, đồng thời rượu không còn giữ được những tầng hương phức tạp.
- Rượu vang nhiễm vi khuẩn: Nếu bạn bảo quản rượu vang trong môi trường kém vệ sinh hoặc dùng dụng cụ bẩn để mở nắp chai có thể sẽ khiến rượu bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn càng phát triển mạnh mẽ với số lượng lớn, hương vị rượu càng mất cân bằng và khiến rượu vang có mùi khó ngửi khi thưởng thức.
- Rượu vang bị tia UV chiếu vào: Khi rượu tiếp xúc lâu với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời sẽ thúc đẩy một số phản ứng hóa học khiến hương vị rượu tệ đi.
- Rượu vang bị lỗi TCA (rượu vang nhiễm mùi nút chai): Đây là hiện tượng rượu bị hư hỏng do mùi mốc có trong nút chai. Nếu rượu vang của bạn xuất hiện lỗi này sẽ có mùi ẩm ướt gần giống như giấy báo ướt, bìa cứng bị mốc.
- Rượu vang lên men: Bảo quản trong môi trường không lý tưởng đã kích thích con men trong rượu hoạt động và lên men lần hai. Acid sinh ra trong quá trình này sẽ khiến các tầng hương vị của rượu bị lấn át hết bởi vị chua.
- Rượu vang bị hư do nhiệt độ: Nhiệt độ cao làm hỏng lớp niêm phong của chai và biến đổi các hợp chất hữu cơ tự nhiên thành các chất không mong muốn, khiến rượu có vị khó uống.
3. Hướng dẫn bảo quản rượu vang đúng cách
Để hạn chế 6 nguyên nhân khiến rượu vang bị hỏng, bạn hãy tham khảo các cách bảo quản đúng, giúp rượu vang giữ trọn vẹn được hương thơm và tầng vị theo hướng dẫn dưới đây:
1 – Với rượu vang chưa mở nắp: Bạn nên bảo quản rượu trong môi trường có độ ẩm phòng từ 50% – 80% (lý tưởng nhất là 70%) và nhiệt độ từ 12 độ C – 16.6 độ C (nhiệt độ có thể thay đổi theo đặc tính của từng loại rượu).
2 – Với rượu vang mở nắp: Bạn nên bảo quản trong tủ lạnh chuyên dụng hoặc hút chân không để đảm bảo kéo dài tuổi thọ và vị ngon đặc trưng của rượu:
- Bảo quản trong tủ lạnh chuyên dụng: Nhiệt độ thấp trong tủ sẽ kiềm chế quá trình oxy hóa của rượu vang. Nhờ đó, các phản ứng hóa học xảy ra chậm hơn và rượu không bị lên men.
- Bảo quản hút chân không: Bạn nên dùng dụng cụ chuyên dụng để hút không khí trong chai vang ra. Cách này làm giảm lượng oxy trong chai rượu xuống mức thấp nhất và ngăn rượu diễn ra phản ứng oxy hóa.
Bạn đọc có thể tham khảo bài viết Cách bảo quản rượu vang để biết thêm thông tin chi tiết.
4. 2 cách tận dụng rượu vang hỏng tại nhà
Trong một số trường hợp, bạn có thể tái sử dụng rượu vang hỏng để chế biến món ăn thay vì loại bỏ. Nếu gặp tình trạng rượu vang bị chua hoặc nhiễm TCA (rượu vang có mùi nút chai), bạn có thể dùng trong nấu ăn theo hai cách dưới đây:
- Với rượu nhiễm CTA (có mùi nút chai): Rượu vang gặp hiện tượng này vẫn giữ nguyên nồng độ cồn trong rươu vang và có độ axit cao nên thích hợp để loại bỏ mùi khó ngửi từ thịt và cá. Bạn có thể ngâm cá trong rượu vang khoảng 10 – 15 phút trước khi nấu để khử mùi tanh hoặc luộc sơ cùng thịt lợn để giảm thiểu mùi hôi, tăng hương vị thơm ngon.
- Với rượu bị chua: Bạn hãy đổ rượu vang vào chai thủy tinh sạch đã được khử khuẩn, để ở nơi thoáng mát khoảng 2 – 3 tháng. Sau khi quá trình lên men hoàn tất, rượu hoàn toàn có thể sử dụng thay thế giấm trắng trong nấu ăn.
Qua bài viết trên, Jacob’s Creek đã gửi tới bạn 6 cách nhận biết rượu vang hỏng khác nhau cũng như cách bảo quản rượu đúng tại nhà, tránh làm giảm chất lượng của rượu. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có trải nghiệm thưởng thức rượu tuyệt vời đồng thời bảo vệ được sức khỏe của bạn.
*Thưởng thức có trách nhiệm. Không chia sẻ nội dung này cho người dưới 18 tuổi.